1. Quy trình đùn ép nhôm
Quy trình đùn ép nhôm là quy trình sản xuất nhôm bằng phương pháp gia nhiệt nung nóng phôi nhôm. Sau đó, phôi nhôm được ép đùn qua khuôn thép bằng áp lực lớn để tạo ra biên dạng mặt cắt nhôm theo yêu cầu. Thanh nhôm sau quá trình ép đùn và cắt theo kích thước sẽ được xử lý hóa già để tăng độ cứng và độ bền cơ học.
Để sản xuất ra nhôm thành phẩm, quy trình đùn ép nhôm bao gồm 7 bước, từ chuẩn bị nguyên liệu, thực hiện quá trình đùn ép và kiểm tra kết quả. Cụ thể như sau:
Bước 1: Chuẩn bị Billet
Trước khi ép đùn, phôi nhôm billet phải được làm nóng trước ở nhiệt độ từ 480-530 độ C trước khi tiến hành cắt nóng và đưa vào máy ép đùn.
Bước 2: Chuẩn bị khuôn
Khuôn cần được chuẩn bị đúng theo lệnh sản xuất máy đùn, đảm bảo đúng mã, chủng loại yêu cầu
Bước 3: Gia nhiệt khuôn
Quá trình gia nhiệt cần được điều chỉnh thời gian, nhiệt độ đúng với yêu cầu về mặt kỹ thuật.
Bước 4: Đùn ép
Phôi nhôm được đưa vào đùn ép qua lỗ khuôn với điều kiện máy đùn ép được vận hành ổn định, đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Dưới áp lực của máy ép, phôi nhôm được ép đẩy qua lỗ khuôn để tạo ra biên dạng mặt cắt theo yêu cầu. Thanh nhôm ép đùn được đón dẫn bằng hệ thống puller và đưa ra dàn băng chuyền làm nguội. Toàn bộ chu trình được diễn ra hoàn toàn tự động và liên tục.
Bước 5: Kéo căng, cắt thành phẩm
Thanh nhôm sau khi ra khỏi khuôn đùn ép được đưa xuống băng chuyền để làm nguội bằng quạt gió và được kiểm tra ngoại quan và kích thước đảm bảo đạt yêu cầu, kỹ thuật viên tiến hành kéo căng và cắt sản phẩm, nhằm tăng độ thẳng và không còn bị cong vênh như khi mới được kéo ra khỏi khuôn đùn.
Bước 6: Hóa già
Sau khi tiến hành ép đùn và cắt theo kích thước yêu cầu, các thanh nhôm sẽ được xử lý hóa già để gia tăng độ cứng và độ bền cơ học. Công đoạn hóa già rất quan trọng trong sản xuất nhôm thanh đùn ép để đảm bảo chất lượng và tính ổn định của sản phẩm cuối cùng.
Bước 7: Kiểm tra, bao gói lưu kho hoặc chuyển công đoạn tiếp theo
Phôi nhôm sau khi hóa già cần được kiểm tra chất lượng thành phẩm theo chủng loại, số lượng, độ nhẵn, độ cong vênh,… Sau đó, tiến hành bao gói nhập kho hoặc chuyển sang công đoạn xử lý bề mặt tiếp theo như sơn tĩnh điện hoặc anode…
Sau khi được đùn ép định hình, thanh nhôm sẽ có mặt cắt ngang theo hình dạng của khuôn với các mặt cắt đặc, rỗng toàn phần hoặc rỗng một phần. Phương pháp đùn ép cho phép sản xuất các sản phẩm nhôm với độ dài và kích thước linh hoạt, tạo ra các mặt cắt phức tạp với chi phí sản xuất thấp. Do đó, phương pháp đùn ép là một giải pháp lý tưởng cho việc sản xuất các sản phẩm nhôm với hình dạng đa dạng và độ phức tạp cao.
Phương pháp đùn ép nhôm tạo ra các thành phẩm nhôm đùn – một sản phẩm được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp. Dưới đây là một số ứng dụng từ nhôm thành phẩm của phương pháp đùn ép:
- Ngành ô tô: Nhôm thanh đùn ép được sử dụng trong nhiều bộ phận của xe ô tô, bao gồm cả khung gầm, đường ray mái, thanh giằng và các bộ phận khác.
- Ngành hàng không: Nhôm thanh đùn ép được sử dụng để tạo ra các bộ phận máy bay như bộ động cơ, khung gầm và các bộ phận khác.
- Ngành kiến trúc và xây dựng: Nhôm thanh đùn ép được sử dụng để sản xuất các sản phẩm xây dựng như cửa, khung cửa, thanh rèm,…
- Ngành điện tử: Nhôm thanh đùn ép được sử dụng để tạo ra các bộ phận máy tính như tản nhiệt, ray đèn LED và các thiết bị điện tử khác.
- Năng lượng mặt trời: Nhôm thanh đùn ép được sử dụng để sản xuất hệ thống khung giá đỡ và khung tấm pin năng lượng mặt trời, linh kiện solar,…
- Ngành y tế: Nhôm thanh đùn ép được sử dụng để tạo ra các bộ phận của các thiết bị y tế như máy phát điện, máy quét MRI và các thiết bị khác.
- Ngành đóng tàu: Thanh nhôm đùn ép được sử dụng để tạo ra các bộ phận của tàu thủy như khung gầm và các bộ phận khác.
- Ngành quân sự: Thanh nhôm đùn ép được sử dụng để tạo ra các bộ phận quân sự như khung gầm xe tăng và các bộ phận khác.